31/12/2021
PM019
Bố: Nguyễn Toàn Thắng
Mẹ: Đặng Thị Ngọc Yến
—-
Con: Nguyễn Đặng Anh Thư – Nguyễn Tiến Minh Nhật (07/01/2021)
Thời gian thực hiên HTSS: 15/05/2020
“CẢM ƠN 2 CON VÌ ĐÃ ĐẾN BÊN BỐ MẸ”
Sau bao nhiêu khó khăn, vất vả thì ngày hôm nay mẹ cảm thấy hạnh phúc biết bao vì được ôm con trong vòng tay của mẹ. Hai con là thành quả của lần chuyển phôi thứ 3, top phôi cuối cùng của bố mẹ.
Hôm nay, nhân một ngày Hà Nội mưa rả rích, mẹ ngồi đây viết lại hành trình tìm con, hành trình mang thai đầy vất vả của mẹ để một phần nhỏ truyền năng lượng và cổ vũ tinh thần cho các gia đình hiếm muộn đang trên con đường tìm con yêu hãy tin ở bản thân và tin vào các bác sỹ ở Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội ( AF Hà Nội).
Bố mẹ cưới nhau vào tháng 9/2018, đến tháng 2/2019 bố mẹ quyết định đi kiểm tra sức khoẻ sinh sản tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cầm kết quả trên tay bố mẹ không tin vào mắt mình khi mình là một trong số các cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhen nhóm niềm tin rằng một ngày mình sẽ có con tự nhiên, bố mẹ cũng uống đủ loại thuốc nam, thuốc bắc nhưng uống mãi rồi cũng chẳng thấy có tin vui. Thật may mắn, vào một ngày tâm sự với em họ của mẹ, là cậu của các con, cậu biết tình trạng bệnh của bố mẹ và chia sẻ với mẹ về AF Hà Nội, bệnh viện nơi mà cậu mợ đã tìm đến để tìm con yêu. Có hẹn với cậu mợ vào một ngày tháng 5, lúc ý mợ đang mang song thai 12 tuần, bố mẹ cùng cậu mợ đến viện thăm khám.
Điều đầu tiên mẹ thấy ở AF Hà Nội là sự thân thiện, nhiệt tình của các ông bảo vệ, các bác, các cô Lễ tân, sau đó là sự nhiệt tình của bác sỹ tại Bệnh viện. Mẹ đăng ký gặp bác Việt, sau khi kiểm tra cho bố các con, bố mẹ xin bác chỉ định kiểm tra xét nghiệm tổng thể sức khoẻ sinh sản. Cầm toàn bộ kết quả trên tay (vẫn giống kết quả bố mẹ đã thăm khám trước đó) vào gặp bác Việt và được bác tư vấn con đường ngắn nhất, nhanh nhất để đón con yêu và đó cũng là con đường duy nhất của bố mẹ. Mẹ gọi điện cho bà nội để thông báo tình hình và bố mẹ quyết định làm hồ sơ IVF.
Mẹ bắt đầu hành trình với những mũi tiêm kích trứng đầu tiên, sau 10 mũi tiêm kích trứng thì cũng đến ngày mẹ tiêm rụng trứng và hẹn lịch chọc trứng. Sau chọc trứng mẹ nghỉ ngơi một tháng và bắt đầu theo dõi niêm mạc để chuyển top phôi đầu tiên, mọi thứ đều tốt. Mẹ chuyển top 1 phôi ngày 5, 1 phôi tốt, 1 khôi khá vào đúng ngày 15/7 âm lịch năm 2019. Sau 5 ngày chuyển phôi mẹ thử que lên 2 vạch và đó là lần đầu tiên mẹ nhìn thấy que thử thai 2 vạch sau gần một năm bố mẹ kết hôn.
Ngày thứ 7 thử beta 50.54, ngày thứ 9 beta 61.65, beta tăng chậm, mẹ báo cho bác sỹ Hiền và xin chỉ định tiêm hỗ trợ. Sau 21 ngày chuyển phôi chưa có noãn hoàng, 28 ngày sau chuyển phôi có noãn hoàng nhưng chưa có tim thai, mẹ tiếp tục xét nghiệm 2 ngày 1 lần và siêu âm theo dõi. Ngày 35 sau chuyển phôi mẹ đến viện gặp bác sỹ Hiền, sau khi có kết quả siêu âm, bác chỉ định đình chỉ thai do không có tim thai, mẹ xin bác sỹ kéo dài thêm ba ngày nữa để mong có phép mầu nào đó đến với mẹ. Và rồi cái gì đến cũng phải đến, 38 ngày sau chuyển phôi mẹ đến viện siêu âm vẫn không có tim thai, bác sỹ yêu cầu đình chỉ thai nếu không để lâu sẽ rất ảnh hưởng đến sức khoẻ của mẹ. Mẹ bắt buộc phải hút thai ra, đau xót, trái tim mẹ vỡ vụn vì phải đối diện với sự thật đó.
Sau lần chuyển phôi đầu tiên đó, mẹ nghỉ ngơi 3 tháng và tiếp tục hành trình tìm con. Mẹ chuyển tiếp top phôi thứ 2, 3 phôi tốt ngày 3. Lần này mẹ lại thất bại, beta < 0.5 sau 12 ngày chuyển phôi. Bố mẹ ôm nhau khóc oà, mẹ vẫn nhớ bố ôm mẹ và nói “Vợ ơi! Mình còn cơ hội mà, nghỉ ngơi rồi mình làm lại vợ nhé”. Hôm ý là 23 Tết, mẹ ngồi thu lu một góc, không ăn, không uống, và đó cũng là cái Tết thật buồn của bố mẹ.
Tiếp tục nghỉ ngơi 3 tháng, mẹ định đến viện theo dõi niêm mạc để chuyển top phôi cuối cùng thì lúc ý bùng dịch Covid, cả nước đang giãn cách xã hội. Mẹ nhắn tin hỏi bác Việt “Anh ơi! Tình hình dưới ý có căng không anh?”, bác bảo “nếu chưa gấp thì để sang tháng cho dịch ổn định rồi xuống em nhé!”. Mẹ nghe lời bác và quyết định nghỉ ngơi thêm một tháng nữa. À! Mẹ con quên kể với các bác là thời gian gần 4 tháng nghỉ ngơi mẹ con rèn luyện sức khoẻ, ăn uống bồi bổ. Mỗi ngày mẹ con đi bộ 3km quanh khu, vừa rèn luyện vừa thư giãn, hít thở không khí trong lành nên tâm trạng mẹ con thoải mái, vui vẻ lắm ạ.
Cuối tháng 04/2020 mẹ con bắt đầu theo dõi niêm mạc, đến ngày 15/05/2020 là ngày mẹ con được chuyển phôi top 4 phôi cuối cùng. Lần chuyển phôi này khác với 2 lần chuyển phôi trước, vì 2 lần trước có bà nội, bà ngoại đi cùng còn lần này vì em Covi nên chỉ có bố và mẹ đến viện. Nằm truyền nước trong phòng, mẹ còn kịp buôn dưa lê với cô Hoa và bác Hoa hí hửng, ai cũng là top phôi cuối cùng, niềm hy vọng cuối cùng. Tâm trạng lần chuyển phôi này mẹ khá thoải mái, không còn bị áp lực như 2 lần chuyển phôi trước đó nữa. Nằm chờ rồi cũng đến tên mẹ vào chuyển phôi, hôm đó bác Mỹ chuyển phôi cho mẹ, lúc đó bác đang mang bầu anh cu sắp sinh. Bác cùng các cô, các bác chúc mẹ lần này sẽ đón được con yêu với nụ cười thật tươi.
Về nhà nghỉ ngơi thoải mái, cơm ăn 3 bữa bà nội và cô của các con chăm từng bữa, lúc đó cô đang nghỉ dịch ở nhà nên là người bầu bạn, tâm sự với mẹ hằng ngày để mẹ khỏi suy nghĩ nhiều về kết quả chuyển phôi lần này. Ngày thứ 8 sau chuyển phôi mẹ thử que 2 vạch và chụp ảnh gửi bố các con, bố còn trách mắng mẹ “Ai cho vợ thử que sớm thế?”, mẹ biết bố có trách mẹ như vậy nhưng trong lòng bố đang rất hạnh phúc. Ngày thứ 10 sau chuyển phôi mẹ thử Beta, kết quả 823.5, 2 ngày sau đó mẹ thử lần 2 – kết quả 2483 tăng gấp 3 lần. Chắc chắn rằng có em bé rồi nên lúc đó mẹ chỉ lo nghỉ ngơi và ăn uống tẩm bổ thôi. Thế nhưng 20 ngày sau chuyển phôi mẹ bắt đầu nghén, ăn bất cứ thứ gì mẹ cũng đều nôn, kể cả uống nước lọc cũng nôn. Mẹ cảm tưởng lúc đó người mẹ không còn sức sống khi cả ngày chỉ nôn, nôn, và nôn. Nửa đêm gọi “chồng ơi” là bố biết đi lấy chậu cho mẹ nôn rồi. Không chịu được vì người cứ lả lướt, bà nội, bà ngoại bắt taxi đưa mẹ ra viện gần nhà mình nằm truyền nước, khủng khiếp hơn là nằm cùng phòng với mẹ có bác hàng xóm nhà mình cũng nghén, cũng nôn và còn nôn 24/24 khiến mẹ sợ và bị mất ngủ nên mẹ xin về nhà và gọi người đến nhà truyền nước. Truyền ở nhà một tuần vẫn không đỡ, bà nội và bố quyết định đưa mẹ ra AF Hà Nội để nhập viện điều trị nghén, mẹ được lấy máu xét nghiệm và kết quả là hạ kali, nghi cường giáp, truyền nước tiếp 2 ngày ở AF Hà Nội xét nghiệm lại Kali vẫn giảm, 11h trưa bác sỹ báo chuyển viện sang Bạch Mai và mẹ phải chuyển viện giữa trưa hôm đó.
Thời gian mẹ nằm ở Bạch Mai có lúc miệng nôn, chôn tháo, ngày truyền 4-5 chai nước, mở mắt ra là lấy máu xét nghiệm, có những ngày mẹ khóc, mẹ tủi thân khi bà nội, bà ngoại không được vào phòng bệnh với mẹ vì dịch Covi phải hạn chế người thăm nom, chăm sóc. Những lúc như vậy mẹ lại tự động viên mình phải cố gắng, vì mẹ có 2 con, và phải cố gắng vì tình yêu thương của bố, của gia đình nội ngoại 2 bên dành cho mẹ. Từ 43.5kg mẹ xuống còn 34 kg, mẹ phải truyền cả trăm chai nước truyền, tiêm cũng cả trăm mũi Lovenox vào bụng (vì mẹ có gen đông máu). Mẹ nhớ bác sỹ Tam còn bảo mẹ rằng “Chị Yến ơi! Chửa thế này thì còn ai họ dám chửa đẻ hả chị Yến?”. Ấy thế mà cũng qua khoảng thời gian đó mẹ được xuất viện về nhà, khi đó mẹ cũng đang đang mang thai 2 con được 3.5 tháng rồi.
Mẹ bắt đầu ăn uống được hơn, cân nặng cũng dần cải thiện hơn. Đến 17 tuần khi thăm khám tại Phòng khám gần nhà, bác sỹ phát hiện ở gần phổi của thai số 1 – có các nang nhỏ ở phổi, yêu cầu chuyển xuống tuyến dưới để theo dõi. Mẹ nhắn tin hỏi bác Khanh, nhìn hình siêu âm bác bảo “CCAM rồi, xuống anh kiểm tra cho nhé”. Lúc ý mông lung không biết CCAM là gì mẹ lên google tìm hiểu và biết đó là bệnh phổi tuyến nang, những ngày sau đó mẹ xuống viện gặp bác Khanh đều đặn để theo dõi thai, mỗi tuần đi nghe bác nói “Tiên lượng tốt nhé, đừng lo” là 1 lần mẹ nhẹ nhõm. Bác cũng chính là người động viên và theo sát mẹ suốt cả thai kỳ.
Rồi tuần thứ 27 các nang đã nhỏ dần, sang tuần thứ 29 các nang đã tự thoái triển và mất hẳn đi, mẹ đã bớt lo lắng đi nhiều vì biết nó không còn ảnh hưởng nữa. Những ngày tháng tiếp theo đó trôi qua thật bình yên cho đến 35 tuần mẹ đi siêu âm ở phòng khám của bác Đạo PSHN, 2 con mỗi con nặng 2.2 – 2.3kg. Tuần thứ 36 mẹ siêu âm mỗi con nặng 2.0 – 2.2 kg. Lạ thật nhỉ? Sao cân nặng con càng ngày càng nhỏ đi thế, mẹ tự hỏi bản thân mình như vậy. 36w+ lần đầu tiên mẹ thấy cơn gò khiến mẹ khó thở, mẹ khóc mẹ gọi điện cho bác Khanh, bác bảo mẹ uống giảm co và nằm im theo dõi, khoảng 1 tiếng sau thì mẹ thấy cơn gò giảm dần và hết hẳn. 37 tuần, thấy vết chỉ khâu eo cổ tử cung căng hơn, đi lại thấy khó chịu mẹ quyết định đi siêu âm kiểm tra để lên lịch mổ vào tuần sau, khi đến phòng khám bác sỹ kiểm tra cân nặng con 1.9 – 2kg. Mẹ hỏi bác sỹ: “ Anh ơi! Sao cân nặng con em ngày càng giảm đi thế ạ?” Bác nói: “ Thai 37w rồi nhỉ, giờ không quan tâm cân nặng nữa, mổ nhé, nhập viện đi sáng mai anh mổ sớm cho”. Và thế là dù mẹ có muốn cố thêm vài ngày nữa cho đủ 38w để đón 2 con ra nhưng mẹ cũng không dám cố thêm vì câu nói của bác Đạo “ giữ được đến giờ là giỏi lắm rồi đó”. Mẹ cùng với bà nội vào viện làm thủ tục trước, sau đó gọi bố các con và bà ngoại mang đồ ra sau, mẹ còn kịp dặn bà ngoại mua cho 2 cốc trà sữa và 1 gói lợn khô cháy tỏi mang ra viện ăn cho đỡ thèm vì sau sinh sẽ phải kiêng mà Đêm đó nằm viện, mẹ gần như không ngủ được vì háo hức rằng sáng hôm sau sẽ được đón các con. Dậy từ 5h30 chuẩn bị, mẹ còn kịp tô chút son cho tươi tắn, bà ngoại tết tóc cho mẹ cho gọn gàng để chuẩn bị vào mổ, bà nội lúc ý còn bảo mẹ “ Yến ơi! Đứng ra đây mẹ chụp cho bức ảnh kỷ niệm mai sau có cái xem lại này” tạo vài dáng, chụp vài bức ảnh, thư giãn 1 chút cũng đến giờ các cô gọi mẹ vào phòng mổ. Vào phòng mổ mẹ bắt đầu run, 2 chân 2 tay cứ run cầm cập vì sợ, đèn bắt đầu sáng, mẹ cảm nhận được từng hành động của bác sỹ, từ việc bác sỹ đưa dao rạch để mổ bắt 2 con ra đến tiếng lạch cạch của dụng cụ mổ. 7h26 tiếng khóc oe oe đầu tiên là con gái nhé, 7h28 tiếng khóc tiếp theo cất lên là con trai của mẹ, lúc ý mẹ có nghe thấy bác sỹ nói: “ dây rốn thắt nút”, à thế là mẹ hiểu vì sao mà cân nặng của con ngày càng giảm rồi. Bác sỹ bế 2 con đến cho mẹ xem mặt con, từ sau phút giây đó mẹ bắt đầu nôn chắc là do ảnh hưởng của thuốc gây tê tuỷ sống. Mẹ được về phòng hậu phẫu lúc 8h, cứ tưởng rằng mổ xong là xong rồi thì ôi thôi! huyết áp tăng lên 162 và mãi không thấy giảm. Mẹ được đẩy giường gần đến khu vực của bác sỹ trực, được uống thuốc để giảm huyết áp và đương nhiên là mẹ phải theo dõi lâu hơn các cô, các bác khác vì huyết áp của mẹ không ổn định. Hơn 7 tiếng nằm phòng hậu phẫu cuối cùng thì mẹ cũng được về phòng, bố đang ngồi ở hành lang đợi mẹ, bà nội và bà ngoại đang đợi ở trong phòng. Mẹ tưởng rằng 2 con đã được về với bố và 2 bà trước đó nên hỏi bố các con “ Chồng ơi! Con đâu?” Các cô hộ lý nói với mẹ rằng “ khoảng 30 phút nữa con sẽ được về với mẹ nhé, vì con vừa tiêm Viêm gan B xong nên đang nằm theo dõi”. 30 phút cũng trôi qua nhanh chóng, các cô mang con đến phòng cho mẹ, trộm vía con gái, con trai mẹ xinh gái, đẹp trai, đáng yêu quá! Bao đau đớn, vất vả của mẹ cũng được đền đáp xứng đáng, được nhìn thấy 2 con sinh ra khoẻ mạnh là niềm hạnh phúc lớn nhất đời mẹ rồi. Giờ đây, được chăm sóc 2 con, được nhìn các con lớn lên mỗi ngày, được ngắm con cười hay cả khi con mếu khóc, tất cả các hành động của con khiến trái tim mẹ tan chảy vì yêu thương. Làm mẹ – có những cái gọi là lần đầu, mẹ chưa thực sự tốt nhưng mẹ sẽ cố gắng để dành cho 2 con những điều tốt nhất. Có được trái ngọt như ngày hôm nay mẹ phải cảm ơn bố con, người chồng đã luôn hiểu và yêu chiều vợ, cảm ơn gia đình nội ngoại 2 bên đặc biệt là bà nội, bà ngoại đã đồng hành cùng 3 mẹ con mình suốt cả thai kỳ vất vả.
Câu chuyện mang thai đầy vất vả của mẹ con tuy hơi dài dòng, hơi lủng củng, nhưng đó là những điều chân thật nhất mà mẹ con đã trải qua. Mẹ con hy vọng có thể truyền tải được năng lượng, niềm tin đến các cặp vợ chồng hiếm muộn hãy vững tin lên “ Rồi con yêu sẽ về”. Mẹ con cũng hy vọng các ông bà, các bố, các mẹ hãy đặt mình vào vị trí của những người bố, người mẹ hiếm muộn để hiểu và thông cảm cho họ, tiếp cho họ nguồn năng lượng tích cực nhất trên con đường tìm con yêu sắp tới. Hãy nói lời yêu thương, sẻ chia và cảm thông cho các gia đình hiếm muộn. Xin chúc cho tất cả các gia đình hiếm muộn sẽ sớm đón được con yêu. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ cần các gia đình đặt niềm tin vào Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.
Lời cuối cùng, cho bố mẹ con gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các bác sỹ tại Bệnh viện, chúc các bác sỹ cùng tập thể CBCNV luôn mạnh khoẻ để có thể giúp đỡ được nhiều gia đình hiếm muộn sớm đón được con yêu. Yêu thương. #toiyeuafhanoi